Thực tế là pin mặt trời sẽ giảm hiệu suất khi bị đốt nóng lên, do đó, các nhà khoa học đã tìm cách bổ sung thêm một lớp vật liệu để pin mặt trời tiếp xúc được với “cái lạnh của vũ trụ”.

Pin mặt trời được lắp trên mái nhà, rất gần với bầu trời nên nó hoàn toàn có thể tiếp xúc với “cái lạnh của vũ trụ”. Từ đó, các nhà khoa học đã nghĩ ra cách tận dụng bầu trời làm bộ tản nhiệt cho pin mặt trời. Như vậy, bầu trời có thể vừa cung cấp năng lượng ánh sáng, vừa làm mát pin mặt trời.

Nhóm nghiên cứu của trường đại học Stanford đã tạo ra một lớp bảo vệ trong suốt cho pin mặt trời, khiến chúng có thể thải ra lượng nhiệt dư thừa mà vẫn hoạt động được bình thường.

Lớp trong suốt mà nhóm nghiên cứu tạo ra chính là lát bán dẫn, được làm từ tinh thể silic dioxit. Các nhà khoa học đã khắc những cái lỗ rộng 6 micromet, sâu 10 micromet trên lát bán dẫn. Kết quả là lớp lát bán dẫn này sẽ tăng cường khả năng hấp thụ ánh sáng mặt trời của pin, đồng thời giảm nhiệt độ của pin xuống đến 13 độ C do làm lạnh bằng bức xạ.

Các nhà khoa học cho biết lớp lát bán dẫn này có thể giúp pin năng lượng mặt trời biến thêm khoảng 1% ánh sáng mặt trời thành điện năng. Bạn có thể sẽ cho rằng 1% chẳng có gì đáng kể nhưng đây thật sự là một bước tiến lớn trong việc tăng hiệu suất pin mặt trời. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn cho biết lớp lát bán dẫn này có thể bảo vệ pin mặt trời khỏi hỏng hóc, giúp pin kéo dài tuổi thọ.

Nghiên cứu này sẽ chính thức được đưa ra tại Hội nghị La-de và Điện quang học được tổ chức tại San Jose, California vào tháng sáu tới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *